Kinh di giáo – Phật giáo

0
0
(0)

 

Kinh Di Giáo là một trong những bản kinh căn bản mà người xuất gia nào cũng phải học. Bắt đầu vào chùa là bắt đầu bằng bản kinh này. Trong ý hướng đúc kết một số tài liệu để chuẩn bị cho việc thiết lập chúng xuất gia thường trú, Trung tâm Phật giáo Hayward xin phép in lại một số kinh sách căn bản.

Lần này, chúng con xin Hòa thượng Giáo thọ cho chúng con in lại bản Kinh Di Giáo này. Cũng như mọi lần trước, chúng con xin hướng về chư vị Tôn Đức bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với các công tác trước tác, dịch thuật của quý Ngài.

Nội dung của Kinh Di Giáo là những lời dạy của đức Thế Tôn trước khi nhập diệt. Lời lẽ đã tha thiết, ý nghĩa lại sâu xa và thực tế. Do đó, đọc bản kinh này ta học được không những tấm lòng từ bi vô bờ của đức Phật, mà trong đó ta còn rút tỉa ra những bài học quý giá để thực tập. Nuôi dưỡng ý chí xuất gia là điều rất quan trọng trên con đường tu học của mình. Bằng vào sức sống trong lời kinh và tấm lòng thành khẩn của người hậu học, cọng chung với sự thực tập, ắt con đường tu của chúng ta sẽ thênh thang mở rộng!

In lại lần này, chúng tôi bỏ bớt đi phần Hán tự. Cho nên quý vị nào muốn tra cứu cho rõ ràng, thì xin xem bản do Hoa Đạo in năm 1970.

Cũng xin được phép nhắc lại ở đây là công tác ấn hành kinh sách, các tài liệu học Phật do Trung tâm chủ trương vẫn được tiến hành. Hiện nay đã có một vài bạn sinh viên nhận lời giúp đỡ đánh máy và nhận thù lao tượng trưng. Hy vọng rằng, có sự hợp tác của họ và chúng ta đủ sức tài trợ thì mỗi năm có thể in được nhiều cuốn hơn. Kính xin chư vị thiện hữu xa gần cùng góp tay, góp sức trong công tác này. Mọi sự đóng góp của quý vị, dù nhiều hay ít, chúng tôi cũng xin thành tâm cầu nguyện chư vị Hộ pháp, Thiện thần gia hộ cho quý vị được nhiều lợi lạc, an vui.

Sau hết, xin thành kính dâng lời cầu nguyện lên ba ngôi Thường trú: cầu nguyện chư vị xuất gia cầu đạo giải thoát luôn được đầy đủ phước duyên để tiến tu đạo nghiệp, cùng cầu nguyện mọi loài chúng sanh có duyên gặp Phật, nghe Pháp và phát tâm tu hành, quyết vượt tham sân, đến bờ giác ngạn.

Hayward ngày 12 tháng 3 năm 1994

Thích Từ Lực cẩn đề

LỜI NÓI ĐẦU

I. GIẢI THÍCH ĐỀ KINH

Phật tiếng Phạn, nói tắt của chữ Phật đà (Bouddha) các sách xưa còn gọi là Phù đồ, nhưng hiện nay danh từ Phù đồ ít được thông dụng. Chữ Phật, Trung hoa dịch là Giác giả, có nghĩa là sáng suốt hoàn toàn, tức là chỉ cho những bậc Đại giác, Đại ngộ. Những bậc ngày biết rõ tất cả sự lý trong vũ trụ một cách chân chính, cùng tột và không còn một chút mê lầm, điên đảo, do đó còn được gọi là Vô thượng Biến Chánh giác. Danh từ Vô thượng Biến Chánh Giác cũng là để lựa khác với hàng Ngoại đại, Tiểu thừa và Bồ Tát.

Hàng Ngoại đạo có hiểu biết sự lý trong vũ trụ nhưng hiểu biết một cách điên đảo mê lầm, để lựa khác với hàng Ngoại đạo gọi là Chánh Giác.

Hàng Nhị thừa có hiểu biết được sự lý trong vũ trụ, nhưng hiểu biết một cách thiên lệch (chấp không), không được cùng khắp, để lựa khác với hàng Nhị thừa gọi là Biến Chánh Giác.

Hàng Bồ Tát tuy có hiểu biết tất cả sự lý trong vũ trụ, nhưng không cùng tột, để lựa khác với hàng Bồ Tát gọi là Vô Thượng.

Những bậc Vô Thượng Biến Chánh Giác này chẳng những tự mình được Đại giác, Đại ngộ (tự giác) mà còn đem chỗ giác ngộ của mình giác ngộ cho kẻ khác (giác tha); hơn nữa không chỉ riêng giác ngộ cho mình và cho người thôi, lại còn khiến cho tất cả chúng sanh đều đến chỗ vô thượng (giác hạnh viên mãn). Giác ngộ như thế, mới được gọi là Phật đà.

Phật đà là một danh từ phổ thông chung chỉ cho đức Phật; riêng ở kinh này là chỉ cho đức Thích Ca Mâu Ni.

Di giáo là lời dặn dò, dạy bảo của đức Phật để lại cho đệ tử. Thật ra những lời dạy bảo của đức Phật để lại cho chúng ta có đến ba tạng Giáo điển: Kinh, Luật và Luận. Nhưng bộ kinh này là lời giáo huấn cuối cùng của đức Phật Thích ca Mâu ni khi sắp nhập Niết bàn để lại cho hàng đệ tử Tỳ kheo làm quy tắc giữ gìn Phật pháp, nên bộ kinh này đặc biệt gọi là Di Giáo.

Lời di giáo này, chẳng khác nào lời di chúc của cha mẹ khi sắp lâm chung để lại dặn dò, chỉ bảo con cái.

Kinh là một danh từ phổ thông chung chỉ các thứ kinh, gồm có ba nghĩa:

1. Thường: Có nghĩa là giáo lý của đức Phật nói ra luôn luôn đúng chân lý, không vì thời gian mà thay đổi, không theo quốc độ mà sai khác. Nghĩa là đối trong ba thời: quá khứ các Đức Phật đã nói thế nào thì hiện tại đức Thích Ca cùng nói thế ấy, mà cho đến vị lại, các đức Phật khác cũng nói đúng như thế.

2. Khế (Hợp): Có nghĩa là hợp lý và hợp cơ. Nghĩa là trên hợp với chân lý của chư Phật, dưới hợp với mọi căn cơ, mọi trình độ của chúng sanh.

3. Tuyến (Đường canh): Tức là đường dọc của tấm vải. Tấm vải nhờ những đường dọc xâu kết, tổ hợp mà thành. Cũng thế, bao nhiêu giáo lý của đức Phật vì đại chúng diễn nói, về sau các vị đại đệ tử như ngài A Nan, Ưu Ba Ly v.v… xâu kết, kiết tập lại mới thành.

Kinh Phật Di Giáo còn gọi là Phật Thùy Bát Niết Bàn Lược Thuyết Giáo Giới. Thùy Bát Niết Bàn có nghĩa là: sắp đến giờ vào Niết bàn. Lược Thuyết Giáo Giới có nghĩa là: lược nói những lời dạy bảo cần yếu.

Giờ phút sắp vào Niết Bàn, Đức Phật còn để lời dặn dò cặn kẽ cho các đệ tử được ghi lại trong kinh này, nên gọi là Kinh Phật Di Giáo hay Kinh Thùy Bát Niết Bàn Lược Thuyết Giáo Giớị Danh từ tuy khác nhưng ý nghĩa vẫn đồng. Tuy nhiên danh từ Kinh Phật Di Giáo gọn gàng, dễ đọc nên được phổ thông hơn.

II. LƯỢC SỬ DỊCH GIẢ

Bổn kinh này do ngài Cưu Ma La Thập (Kumàrajiva) dịch ra văn Trung hoa vào đời vua Diêu Tần. Ngài La Thập là người nước Qui Từ, một tiểu quốc thuộc xứ Ấn độ thời bấy giờ. Ngài theo mẹ xuất gia vào lúc bảy tuổi, châu du khắp xứ Ấn độ, thông suốt các sách vở. Ngài rất giỏi về kinh điển Đại thừa. Nhân vua nhà Tần là Phù Kiên (năm thứ 19 tức là vào đầu thế kỷ thứ 5) đem binh đi đánh nước Qui Từ và bắt ngài về. Sau ngài vào Trường An, được vua tôn làm quốc sư và thỉnh ngài ở Tây minh các và Tiêu diêu viện lo việc dịch kinh. Ngài dịch được hơn 380 quyển.

Ngài là vị Pháp sư thông cả ba tạng giáo điển. Sự nghiệp dịch thuật của ngài ở Trung hoa, trừ ngài Huyền Trang ra chưa có ai sánh kịp. Những thứ kinh do ngài dịch rất được phổ thông như Pháp Hoa, Bát Nhã, Di Đà v.v…

Ngài viên tịch tại Trường An vào đời vua Tần Hoàng Thỉ năm thứ mười một.

PHẦN TỰA

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trước hết chuyển pháp luân độ anh em ông A Nhã Kiều Trần Như; cuối cùng thuyết pháp độ ông Tu Bạt Đà La. Những người đủ duyên được độ đều đã độ hết, ở trong rừng Ta La Song Thọ, Phật sắp nhập Niết Bàn, khi ấy giữa đêm thanh vắng không một tiếng động, ngài vì các đệ tử lược thuyết pháp yếu.

GIẢNG NGHĨA

Chuyển pháp luân: Lăn bánh xe pháp. Giáo pháp của đức Phật gọi là Pháp Luân. Luân là chỉ cho xe báu của Chuyển luân Thánh vương, gồm có hai nghĩa: đi khắp và dẹp trừ, nghĩa là xe của vua Chuyển Luân đi khắp trong bốn châu thiên hạ, dẹp trừ những bọn oán địch. Cũng thế, giáo pháp của đức Phật đi khắp trong các cõi chúng sanh và dẹp trừ bọn giặc phiền não, nên "Giáo pháp" dụ cho bánh xe; còn "Chuyển" (lăn) là dụ cho việc nói giáo pháp. Nói tóm, chuyển pháp luân là chuyển vận giáo pháp nơi tự tâm mình vào tâm của kẻ khác y như chuyển bánh xe từ chỗ này đến chỗ khác.

Niết Bàn (Nirvana): Có chỗ gọi là nê hoàn, nê bạn hay Niết bàn na, các nhà dịch có nhiều nghĩa khác nhau: Diệt, Diệt độ, Diệt tịch, Bất sanh, Vô vi, An lạc, Giải thoát… Niết bàn còn một tên khác là Ba Lị Nật Phược Nẫm (Parinirvàna) dịch là Viên tịch, đầy đủ phước trí, hoàn toàn vắng lặng sạch tất cả các thứ phiền não trần lao. Niết bàn có bốn thứ khác nhau:

1. Bản lai tự tánh thanh tịnh Niết bàn: Mặc dù chúng ta bị khách trần phiền não mà tự tánh vẫn thường thanh tịnh, rỗng rang như hư không, xa lìa các tướng phân biệt, bặt sự nói năng, dứt đường suy nghĩ. Cái tánh ấy xưa nay vẫn thường vắng lặng (Niết Bàn này thuộc về phàm phu).

2. Hữu dư y Niết bàn: Hàng Nhị thừa do đoạn hết được phiền não chướng (sự ngăn ngại do phiền não gây ra) mà hiển ra Chân như. Hữu dư y là còn nương nơi thân hữu lậu. Nghĩa là đối với các phiền não đã đoạn hết mà vẫn còn thân hữu lậu, mặc dù còn thân hữu lậu nhưng các chướng phiền não đã vắng bặt.

3. Vô dư ý Niết bàn: Hàng Nhị thừa đã đoạn được phiền não chướng và cũng đã đoạn được báo thân hữu lậu rồi. Nghĩa là chân như sau khi ra khỏi sanh tử mà được hiển bày.

4. Vô trụ xứ Niết bàn: Chân như do đoạn sở tri chướng (sự ngăn ngại chơn trí do hiểu biết gây ra) mà được hiển bày. Đây là Niết Bàn của chư Phật. Hàng Nhị thừa vì chưa đoạn được sở tri chướng nên chẳng hiểu được lẽ "sanh tử chẳng khác Niết Bàn". Do đó họ còn chấp có sanh tử đáng chán, Niết Bàn đáng ưa; còn chư Phật đã đoạn sở tri chướng được chân trí bồ đề, nên không còn thấy sanh tử và Niết Bàn khác nhau. Nghĩa là chư Phật đầy đủ trí huệ nên không ở trong sanh tử, nhưng vì lòng đại bi, nên cũng không trụ Niết Bàn; không sanh diệt mà thị nhập sanh diệt để hóa độ chúng sanh.

A Nhã Kiều Trần Như (Ajnata Kaundinya): A Nhã là tên, dịch nghĩa là Giải (hiểu biết), cũng dịch là Vô Tri (không có điều nào là không biết). Trần Như là họ, dịch là Hỏa Khí.

Khi Phật mới thành đạo, liền đi thẳng đến vườn Lộc Giả nói pháp tứ đế độ năm anh em ông Kiều Trần Như, trong số đó ông Kiều Trần Như hiểu được lý "Vô Tri Diệu Trí" trước nhất nên được gọi là A Nhã.

Tu Bạt Đà La (Subhadra): Dịch là Hảo Hiền, ông là người đệ tử cuối cùng của Phật. Khi ông quy y Phật thì đã 120 tuổi rồi.

Nguyên trước kia ông là người ngoại đạo, khi nghe Phật sắp nhập Niết Bàn, ông hối hả đến chỗ Phật xin vào yết kiến và cầu pháp. Ông xin gặp Phật hai ba phen nhưng ngài A Nan sợ ông khuấy rầy Phật nên chẳng chịu cho ông vào. Hai bên tranh chấp giằng co, Phật nghe thấy mới kêu cho vào và nói pháp Bát Chánh Đạo cho ông nghe. Nghe xong, ông Tu Bạt Đà La chứng được sơ quả.

ĐẠI Ý

Đây là lời dẫn khởi thuộc về phần Tựa của bộ kinh Di Giáo. Đoạn nầy cũng có thể thay cho sáu món Thành Tựu. Sáu món Thành Tựu là:

1. Pháp sư thành tựu.
2. Pháp môn thành tựu.
3. Đệ tử thành tựu.
4. Đại tổng tướng thành tựu.
5. Nhân quả tự tướng thành tựu.
6. Phân biệt tổng tướng thành tựu.

Đại phàm đoạn mở đầu của các bộ kinh đều nói đến sáu món thành tựu, nhưng riêng sáu món thành tựu của bộ kinh Di Giáo nầy không đồng với các bộ kinh khác. Các bộ kinh khác thường mở đầu bằng câu "Pháp này tôi, nghe, một thuở nọ…". Kinh này thì không thế, câu mở đầu lại là "Phật Thích Ca Mâu Ni …"

Năm chữ "Phật Thích Ca Mâu Ni" là nói Pháp sư thành tựu. Thích Ca là họ của Phật. Trung hoa dịch là Năng Nhân, có nghĩa là Tài năng và Đức hạnh. Nguyên nhân Phật lấy họ Thích Ca là vì trong dòng dõi của ngài, ở các trào vua trước, ra đời đều là những vị vua thông minh, nhân từ nên về sau đổi ra họ Thích Ca, có ý ca ngợi tài trí thông minh của dòng dõi.

Mâu Ni là danh xưng của đức Phật. Trung hoa dịch là Tịch Mặc. Trước kia đức Phật tên là Tất Đạt Đa (Siddhàratha) chính âm là Tát Ba Kiệt Thích Tha Tất Đà (Savrãthásiddha), nhưng về sau do sự tôn trọng, khen ngợi ngài, vì ngài ở trong cảnh vắng lặng mà thành tựu được trí huệ phi thường, không giờ khắc nào không ở trong đại định, nên gọi là Mâu Ni.

Trong câu "trước hết, chuyển Pháp luân độ anh em ông A Nhã Kiều Trần Như; cuối cùng, thuyết pháp độ ông Tu Bạt Đà La" gồm nói hai món thành tựu: Pháp môn thành tựu và Đệ tử thành tựu.

Câu "Những người đủ duyên được độ Phật đã độ hết" là nói đến sự nghiệp của đức Phật ra đời và việc đô sanh đã được viên mãn là Đại tổng tướng thành tựu.

Ta La Song Thọ: Ta la nghĩa là kiên cố, là cây có bốn mặt. Mỗi mặt: trên hai nhánh hiệp nhau, dưới hai gốc liền nhau, có một khô một tươi, tiêu biểu cho Tứ đức phá trừ Bát đão của phàm phu và Nhị thừa.

Câu "Trong rừng cây Song thọ" là Nhân tự tướng. Câu "Sắp vào Niết bàn" là Quả tự tướng. Rồi câu "Khi ấy giữa đêm" là nói Tổng tự tướng, gồm chung là Nhân quả Tự tướng thành tựu.

Câu "Vì các đệ tử lược nói pháp yếu" là phân biệt Tổng tướng thành tựụ "Các đệ tử" là tiêu biểu cho nhân sai biệt; "Lược nói pháp yếu" là tiêu biểu cho pháp thế gian và xuất thế gian sai biệt.

Mặc dù đức Phật sắp nhập Niết Bàn, tự mình khổ não, vẫn còn cố gắng vì chúng đệ tử chỉ dạy cặn kẽ những điều cần thiết. Ấy là biểu lộ lòng từ bi vô hạn, chẳng khác nào người cha đối với các con khi sắp lâm chung vậy.

 

Trích tại thuvienhoasen.org https://thuvienhoasen.org/a2001/kinh-di-giao

File download : được sưu tầm từ nhiều nguồn thuvienhoasen , niemphat.vn…do nhiều tác giả dịch 

 

Xem thêm : https://daitangkinh.net/?f=Kinh-Di-Giao&m=awviet

[ ]0389-kinh-di-giao-ht..>2019-12-30 03:2297K [ ]Kinh-Di-Giao-Luoc-Gi..>2019-12-30 03:22710K [IMG]kinh-di-giao-bia.jpg2019-12-30 03:2422K [ ]kinh-di-giao-ht-hoan..>2019-12-30 03:23399K [ ]kinhdigiao-thichvinh..>2019-12-30 03:211.2M 


How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 0 / 5. Vote count: 0

No votes so far! Be the first to rate this post.

Leave A Reply

Your email address will not be published.